mardi 12 septembre 2017

Tổng thống Pháp đối mặt với phong trào phản đối luật lao động

Người biểu tình chống luật cải cách lao động của chính phủ ngày 12/09/2017 tại Nantes.

Ông Emmanuel Macron hôm nay 12/09/2017 phải đối phó với thử thách đầu tiên từ phong trào phản kháng, với những cuộc biểu tình và đình công chống lại việc sửa đổi Luật lao động. Tuy vậy tân tổng thống Pháp không hề có ý định nhượng bộ.
Nghiệp đoàn CGT mong đợi có gần 200 cuộc biểu tình, và đã thống kê được 4.000 lời kêu gọi đình công trên toàn quốc. Riêng tại Paris, cuộc biểu tình bắt đầu vào lúc 12 giờ GMT hôm nay. Đình công đã làm xáo trộn các chuyến xe lửa ngoại ô, và 110 chuyến bay bị hủy. Lưu thông trên một phần đại lộ Champs-Elysées và một số đoạn đường dẫn tới thủ đô Paris bị ngăn trở.

Các nghiệp đoàn sinh viên học sinh và phong trào thanh niên của nhiều đảng cánh tả kêu gọi tham gia biểu tình chống lại « một sự xuống cấp lịch sử về mặt xã hội ». Đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất cũng xuống đường ở Marseille để phản đốiđiều mà họ gọi là « cuộc đảo chính về xã hội ».

Tuy nhiên hai nghiệp đoàn lớn khác là CFDT và FO không kêu gọi biểu tình, khiến người ta dự đoán số người tham gia sẽ không đông đảo như mong muốn. Tổng thống Emmanuelle Macron mà uy tín tiếp tục sụt giảm trong các cuộc thăm dò, đối mặt với các phe đối lập đang bị chia rẽ. Cựu cố vấn của nguyên tổng thống Nicolas Sarkozy, Raymond Soubie còn cho rằng đây là tình thế lý tưởng để chính quyền cải cách Luật lao động.

Là kế hoạch lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ ông Macron, Luật lao động sửa đổi dự kiến đặt mức trần cho việc bồi thường người lao động bị sa thải, giảm thời gian kháng cáo, thương lượng không cần nghiệp đoàn đối với các công ty dưới 50 nhân viên, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu dụng gần phân nửa số nhân viên ở Pháp. Mục tiêu của sự linh hoạt này là giảm thất nghiệp, và đáp ứng đòi hỏi lâu nay của đối tác Đức.

Tổng thống Emmanuelle Macron muốn đẩy nhanh cải cách qua việc sử dụng các sắc lệnh, cảnh báo rằng ông « quyết tâm tuyệt đối », « sẽ không nhượng bộ một chút nào trước những kẻ lười biếng, trơ trẽn, cực đoan ». Tuyên bố được cho là « đổ dầu vào lửa » này có nguy cơ làm thêm nhiều người bất mãn. Các phe đối lập chính trị lập tức đả kích, thủ lãnh đảng Nước Pháp Bất Khuất, ông Jean-Luc Mélenchon kêu gọi « những kẻ lười biếng » xuống đường đông đảo hôm nay.

http://vi.rfi.fr/phap/20170912-tong-thong-phap-doi-mat-voi-phong-trao-phan-doi-luat-lao-dong

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.