mardi 16 janvier 2018

Le Dung - Giọt nước mắt anh Thăng



Tôi thực sự hơi sốc, khi nhìn thấy anh Thăng khóc.

Từ việc anh “khoan thai” đón nhận sự giáng chức từ ủy viên Bộ Chính trị về ủy viên trung ương, “mở lòng” xin lỗi đảng, nhân dân và tổng bí thư, cho đến việc “điềm nhiên” chờ ngày vào khám. Lộ trình đó, cho thấy một người như đã nắm được quy luật của cuộc sống, của thời cuộc, và của quyền lực, khi bước vào “tri thiên mệnh” thì đã có mấy chục năm trải nghiệm và sống trong nó.

Trong các trò cờ bạc thì tôi thích nhất trò cào tố, hay còn gọi là liêng, miền nam thì chơi xì tố cũng na ná. Và chỉ chơi mỗi trò đó, chứ không thích trò khác, kiểu phỏm phảnh cò qua cưa về, ngồi mất công mà không thách thức cảm giác. Bài đó không ai biết ai bao điểm cả. Ba con úp xuống, rồi cứ thế tố tiền, thằng nào lui trước thằng đó thua, hoặc nếu một người dừng lại, không tố thêm nữa thì so bài. Hết tiền phủi đ** về, đ** nói nhiều.

Anh Ba đã giơ hai tay xin về làm người tử tế, không tố thêm nữa để mất thêm. Anh Thăng ở lại và chơi tất tay, được ăn cả, ngã về nhà lao, giống cách tôi chơi cào tố, nên tôi rất thích. Khi đã trượt qui hoạch Bộ Chính trị, anh một mình một ngựa đánh thốc từ Thiên Trường phủ về đến kinh đô Tràng An, qua hàng hàng lớp lớp, xiên đến vị trí cuối cùng, mặc áo tía, ở ngôi á vương. Thần tốc, táo bạo, liều lĩnh và quả đoán. 

Tầm anh xứ Nam có chưa đến hai chục trên chín mươi lăm triệu dân. Chơi tất tay như anh chỉ có một. Vậy sao anh lại phải khóc?

Anh là người cộng sản. Từ khai quốc đến giờ, có bốn lần tiêu biểu về khóc.

Lần 1 là trong tổng kết cải cách ruộng đất, cụ Hồ khóc vì những sai lầm của nó, đã để lại nhiều oan trái, tức tưởi, tan nát và khốn cùng cho hàng vạn gia đình và số phận người. Ngắn gọn là khóc vì cái sai của mình làm hại người khác. Giọt nước mắt có tính đại chúng.

Lần 2 là cụ Duẩn khóc trong đám tang cụ Hồ. Đó là giọt nước mắt tiếc thương đồng chí đồng đội.

Lần 3 là ông Trọng khóc ở Hội nghị 6. Không phải vì dân tình gặp tai ương, không phải vì dân chết vì tai nạn giao thông, không phải vì các con ở vùng sâu vùng xa bơi qua sông đi học rồi thác, mà khóc vì một ẩn ức nào đó của nội bộ do ông đứng đầu. Và ông cũng không nhận lỗi trước nhân dân, mà nhận lỗi trước Ban chấp hành Trung ương của ông. Đó là giọt nước mắt nội bộ.

Lần 4 là lần gần đây, anh Thăng. Khi đứng ở cương vị bị cáo do một số “sai lầm” của anh ở cương vị chủ tịch tập đoàn dầu. Theo lời luật sư của anh mô tả, anh nói tận hai tiếng đồng hồ chứ không phải chỉ vài phút như trong clip. Báo chí mô tả như là anh khóc vì ước làm ma tự do, vì thương nhớ cha già, con dại. Nếu thế, đó là giọt nước mắt mang tính riêng tư, cá nhân.

Nếu chúng ta đưa tọa độ của bốn giọt nước mắt nêu trên vào trong hệ trục tọa độ đề-các với trục tung là quyền lực và trục hoành là số phận con người. Rồi vẽ đồ thị nó bằng cách nối các điểm lại với nhau, sẽ được một đường cong như đoạn cuối đồ thị đường bay của viên đạn - mà nếu đặt một viên bi lên đó, nó sẽ trượt không ma sát từ đỉnh xuống và rơi vào đâu đó chưa biết. Nhưng chắc chắn một điều, đạn ra khỏi nòng là để sát thương, chứ không phải là để dung thứ.

Có đúng thế không nhỉ? Tôi không chắc.

Cá nhân tôi cho rằng, một người với trải nghiệm như anh, có, nhưng không thể chỉ khóc vì lý do “đơn giản” thế được. Anh khóc vì lẽ khác. Có lẽ vì anh thấy xót xa trước bao nhiêu cảnh đời, trong đó có vợ con anh, có cha già, có em trai, có cộng sự, vì anh, vì theo anh mà khổ ải, mà vướng vào lao lý. Và anh thấy cần phải khóc.

Không phải khổ nhục kế, nhưng anh muốn phô diễn một hình ảnh thảm hại, một sự ăn năn hối cải, một sự đầu hàng và phục tùng hoàn toàn trước sự anh minh. Kiểu xưa hay có là vua ban chết cái phải dập đầu tạ ơn ấy. Hồi còn bé, mình đọc chuyện hay nghĩ, đằng nào cũng chết, sao không chửi chết mẹ nó đi rồi chết? Hóa ra không được, chửi nó giận nó tru di tam tộc, cửu tộc luôn. Nên để cứu người thân, đồng chí đồng đội, để cầu mong sự thương xót người thân của mình ở dương thế, khoan hòa với đồng đội mình trong chốn lao tù, vẫn phải tạ ơn đã ban chết và tung hô anh minh.

Nhưng anh ạ. Chính trị không đơn giản như anh nghĩ đâu. Dung cờ là dung giặc. Nhổ cỏ là phải nhổ tận gốc, các cụ dạy rồi, bao triều đại nhỡn tiền thế rồi. Nếu ngày xưa cụ Trịnh Kiểm mà giết luôn chúa Nguyễn Hoàng thì còn đâu sau này con cháu chúa Trịnh phải bái lạy vua Gia Long?

Anh ạ. Hạng Vũ đã đầu hàng từ lâu. Nước Sở hoàn toàn tuyệt tích bên dòng Gành Hào, ngồi nghe Dạ Cổ Hoài Lang và ước mong làm người tử tế rồi. Vua đã không vị quốc thì anh vong thân mà làm gì. Chính trị không nói đến lòng vị tha, quyền lực không có chỗ cho sự dung thứ. Cũng như cụ Lê Lợi thôi, để bảo tồn cơ nghiệp muôn đời cho con cháu, công thần hay kim bài miễn tử cả quyển thì chém vẫn phải chém.

Sao anh lại phải khóc?

Anh ạ, nghe em. Phiên sau ấy mà, anh đừng khóc nữa. Cứ lẫm cmn liệt cho em.

FB LE DUNG 15.01.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.