samedi 3 février 2018

Hoàng Linh - Yên Trung là Yên Trung nào?

Khu vực sẽ dùng để xây nghĩa trang Yên Trung.
Trong tình hình nợ công đang gây quan ngại, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn thông tin Hà Nội lấy ngân sách xây nghĩa trang dành cho cán bộ 1.400 tỉ gây một trường lực tiêu cực rất lớn cho người dân và cán bộ công chức.

Sáng 1/2, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Nghĩa trang Yên Trung sẽ phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước.

Nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 km về phía tây. Phía bắc và phía tây giáp Vườn quốc gia Ba Vì; phía đông giáp đồi núi và đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; phía nam giáp đồi núi và khu dân cư.

Tổng diện tích nghĩa trang là 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 ha. Nghĩa trang Yên Trung sẽ có 2.200 - 2.500 ngôi mộ; mỗi ngôi có khuôn viên 25 - 35m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người.

Thời gian thực hiện dự án khoảng 36 tháng, trong đó, giai đoạn một xây dựng đường kết nối, khu dịch vụ, nghỉ lễ, khu tưởng niệm và an táng. Các khu còn lại sẽ được đầu tư khi có nhu cầu.

Nguồn vốn dự kiến hơn 1.400 tỉ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. Dự án cũng xác định khu tái định cư rộng 9,38 ha, đáp ứng chỗ ở cho 105 hộ thuộc diện di dời.

Tôi đề nghị dừng ngay công trình này vì nó không phù hợp.

Bởi lẽ ngân sách là tiền thuế do dân đóng, không thể dùng để sử dụng như một thứ đặc quyền đặc lợi cho một nhóm nhỏ. Nếu ghi ơn và ghi công thì nên để các anh hùng dân tộc, người có công lớn yên nghỉ chốn quê nhà để con cháu, dòng tộc tiện thăm viếng, chiêm bái.

Và xưa nay những bậc thánh nhân, vĩ nhân là lãnh tụ đều có nguyện ước như vậy.

Ngày 11/1/2009, gia đình của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tổ chức nghi thức rải tro tượng trưng đốt từ những di vật của ông xuống sông Sài Gòn, đoạn đi qua huyện Củ Chi (TPHCM), nơi 43 năm về trước, vợ ông và hai người con nhỏ đã bị giết hại.

Đúng 43 năm trước, vào ngày 17 tháng Chạp, bà Trần Thị Kim Anh (người vợ quá cố của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cùng hai người con đã bị càn bố, hy sinh trên đường ra chiến khu thăm ông. Từ đó, ông luôn canh cánh bên lòng về nỗi đau mất vợ con. Trong di bút vừa được công bố, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: “...Sanh đâu, nằm xuống ở đó nhưng tôi có một hoàn cảnh riêng khá đặc biệt. Người vợ quá cố của tôi và hai con tôi nằm xuống tại một đoạn sông Sài Gòn, không tìm được xác do giặc Mỹ sát hại (1966). Những nỗi đau không nguôi gần 30 năm. Và từ đó tôi có một nguyện vọng: khi tôi qua đời được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọn nghĩa thủy chung, đúng đạo lý của con người bình thường. Nếu có một thế giới nào đó ở bên kia thì tôi sẽ gặp lại vợ con tôi, còn không - chắc là không - thì tâm hồn cũng được thanh thản...”

Thánh nhân Gandhi cũng chỉ xin an nghỉ bằng ngôi mộ cỏ. Người sáng lập ra hãng Honda của Nhật bản Soichiro Honda cũng di nguyện an nghỉ trên một ngọn đồi nhỏ, một ngôi mộ nhỏ với bia mộ khiêm tốn như hàng triệu người Nhật đã nằm xuống khác.

Hãy dừng công trình lại để an dân.

FB HOÀNG LINH 03.02.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.