mardi 6 mars 2018

Lê Bảo Nhi - Ai cần phải quỳ ?



Việc cô giáo Nhung quỳ trước mặt phụ huynh và đồng nghiệp một lần nữa dấy lên tiếng "chuông nguyện hồn ai" cho nên giáo dục nước nhà vốn đã cực kỳ rệu rã và băng hoại so với thời trước 1975, thời còn thể chế Việt Nam Cộng Hòa.

Với cô giáo Nhung, tôi có hai vấn đề để nói. Thứ nhất việc cô ấy bắt học trò quỳ là sai hoàn toàn, đó là sỉ nhục và tổn thương những đứa trẻ. Với những đứa trẻ lên ba, để nói chuyện với con, mình đã ngồi xuống để mắt đối mắt. Những đứa trẻ lên ba thôi cũng đã có lòng tự trọng rồi. Khi mình làm giáo viên, mình dạy lớp 8 một lần có một trò nữ không thuộc bài nhiều lần, mình bảo: "Em ra góc lớp học." Nhưng khi em ấy bước vào góc lớp thì mình đổi ý ngay: " Thôi, em về chỗ ngồi dò bài lại rồi lên trả bài"

Mình giận em ấy lắm nhưng kềm chế vì nghĩ hình phạt đứng góc lớp sẽ làm em ấy tổn thương. Mình hiểu trẻ con luôn cảm thấy tổn thương nhiều hơn người lớn rất nhiều. Giáo viên phải dạy các em lòng tự trọng chứ không nên chà đạp lên nó bằng những hình thức bắt đứng cột cờ, bắt quỳ, bắt bạn này tát vào mặt bạn kia (cô giáo khỏi phải tát). Là giáo viên bạn hãy thương học sinh như con và tôn trọng các em, dạy các em biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. 

Điều thứ hai mình muốn nói với cô Nhung: cô hèn quá. Cô sai thì nhóm phụ huynh có quyền thưa kiện cô, cô có thể bị kỷ luật. Nhưng đó là việc công bằng, cô có thể nhận lấy hậu quả của việc làm phản giáo dục của mình nhưng KHÔNG AI CÓ QUYỀN bắt cô quỳ xuống trừ duy nhất hai người đã sinh thành ra cô, đó là cha mẹ cô. Cho dù người đó là chủ tịch nước hay bí thư trung ương đảng cũng không đủ quyền bắt cô quỳ xuống. Cô hèn như vậy cô dạy dỗ ai? Ai dám giao con cho cô nữa, để cho trẻ có một nhân cách thui chột như cô à?

Nói về tên Vũ Hòa Thuận mình đã có một stt riêng rồi, không để cập đến tên biến thái về nhân cách ấy nữa. Nó là sản phẩm của nên giáo dục xã hội chủ nghĩa mà.

Với thầy hiệu trưởng, tôi thấy thầy tồi tệ quá. Với tư cách một hiệu trưởng, người có trọng trách lớn nhất trong trường, trong thời điểm ấy bằng mọi giá thầy phải bảo vệ giáo viên của mình chứ sao bỏ đi dự giờ? Thầy thật vô trách nhiệm, và cũng chẳng xứng mặt đàn ông. Thứ đàn ông không bảo vệ được phụ nữ thì là thứ đáng trùm váy mà đi. Mình chỉ có mỗi một chữ KHINH dành cho thầy hiệu trưởng này.

Với tập thể giáo viên trong trường, mình thấy bất bình. Họ hèn quá. Nhớ có lần một cô giáo kể cho mình nghe: cô dẫn đoàn sinh viên đi Bình Thuận để phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xã thải ra biển. Cô bị bắt. Có rất nhiều người mà cô không quen lên tiếng trên Facebook đòi nhà cầm quyền thả cô ra. Có nhiều bạn trẻ mà cô không quen đã đến đồn công an đòi người, gây áp lực để công an phải thả cô ra. 

Thế nhưng tập thể giáo viên mà cô từng dạy chung trên 20 năm không một ai nhắn tin hay gọi điện hỏi cô ra sao. Họ sợ bị liên lụy dù cô cất tiếng nói (và chịu nguy hiểm) cho tất cả dân Việt Nam này, trong đó có họ. Tại sao những giáo viên có thể hèn như vậy? Một lời hỏi thăm cũng "liên lụy" sao? Thế tình người ở đâu? Các người dạy học sinh như thế nào về tình người?

Và hôm nay tập thể giáo viên trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức đi ngang nhìn thấy cô Nhung quỳ mà chẳng ai vào có ý kiến bênh vực đồng nghiệp. Gặp mình là giáo viên trong trường, mình nhìn thấy cô Nhung quỳ thì chắc thằng Thuận bị mình chửi đến mức chả dám ngóc đầu lên nhìn ai. Các giáo viên trường này hèn quá. Để rồi than trách sao nghề giáo bây giờ bị xem nhẹ như thế, bèo bọt như thế. Bèo bọt hay không ở chính nhân cách các người đó.

Một nền giáo dục XHCN dạy con người ta xúc phạm người yếu thế hơn mình và cúi đầu trước cường quyền là một nền giáo dục vô nhân và băng hoại. Là người Mẹ, người Cha, chúng ta cần bảo vệ con chúng ta bằng mọi giá và hàng ngày hãy dạy con ĐỨNG THẲNG LÀM NGƯỜI.

FB LÊ BẢONHI 06.03.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.