samedi 7 avril 2018

Đức giáo hoàng Phanxicô, lãnh tụ thế giới tự do ?


« Đức giáo hoàng Phanxicô đóng vai trò như thế nào trước Donald Trump, Erdogan, Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Emmanuel Macron… » . Đó là chủ đề của tuần báo Le Point kỳ này. Tờ báo đặt vấn đề, ảnh hưởng của người đứng đầu giáo hội Công giáo không ngừng tăng lên, trước các nhà lãnh đạo cá tính, phải chăng ngài đang trở thành lãnh tụ của thế giới tự do ?
« Tôi sẽ nhớ những gì ngài nói ! ». Khi rời văn phòng Vatican hôm 24/05/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quay trở lại, nói nhỏ vào tai Đức giáo hoàng Phanxicô như thế - theo lời kể của Hồng y Jean-Louis Tauran. « Đức giáo hoàng để lại dấu ấn nơi tất cả các vị khách, thế nên ai cũng muốn gặp ngài ».


Dưới thời Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên và không phải là người châu Âu, Vatican đã trở thành ngã tư của thế giới. Tổng thống, thủ tướng các nước thi nhau đến khu vực Đại giáo đường Thánh Phêrô : trong năm năm qua có đến 90 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ đã được Đức giáo hoàng tiếp, trong đó có những vị được tiếp nhiều lần. 

Ngay cả nữ hoàng Elisabeth của Anh quốc, cũng đã đến Vatican lần đầu tiên. Ông chủ điện Kremlin đến Vatican năm lần, trong đó có hai lần để gặp Đức giáo hoàng Phanxicô. Bà Angela Merkel trước đây thường đến thăm người đồng hương - Đức giáo hoàng Biển Đức XVI - nay cũng rất thân thiết với vị giáo hoàng kế nhiệm, nhất là sau khi mở cửa biên giới cho người tị nạn. Đức giáo hoàng Phanxicô chìa bàn tay cho mọi người, kể cả Joseph Kabila (nhà độc tài Congo), Erdogan (thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ).

Ngoại giao Vatican hiện diện khắp nơi. Tại châu Mỹ la-tinh, Đức giáo hoàng đã cố gắng đưa Cuba quay lại với cộng đồng quốc tế, xúc tiến hòa bình cho Colombia. Tại châu Á, ngài đang xích gần lại với Trung Quốc, và luôn lên tiếng bênh vực người Rohingya ở Miến Điện. Ở châu Phi, ngài vận động cho hòa bình ở Mozambique, Trung Phi, Congo, và dự định đến Nam Sudan dù mọi người can gián vì lý do an ninh. Tại Cận Đông, trên vùng Đất Thánh, Đức giáo hoàng liên tục tìm cách làm dịu đi xung đột Israel-Palestine.

Đức giáo hoàng tiếp đoàn đại biểu giáo hội Nam Sudan, 29/03/2018.
Vatican, ngã tư quốc tế

Người đứng đầu một giáo hội 1,2 tỉ tín đồ còn là một thủ lãnh chính trị. Vatican, nhà nước nhỏ bé với diện tích vỏn vẹn 44 hecta có một bộ máy rất hiệu quả. Quốc vụ khanh là Hồng y Pietro Parolin là nhà ngoại giao lão luyện, từng đóng vai trò quan trọng trong các hồ sơ lớn như việc thương lượng với lực lượng FARC ở Colombia, giúp quan hệ Hoa Kỳ-Cuba tan băng. Khoảng một trăm sứ thần, tức đại sứ của Vatican, mỗi vị chỉ có một hoặc hai cộng sự. 

Tuy số lượng khiêm tốn, nhưng đây là một mạng lưới toàn cầu, vì trong số 195 quốc gia trên thế giới, chỉ có hơn một chục nước không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Trong đó có ba quốc gia quan trọng nhất, theo đánh giá của một nhà ngoại giao, là Ả Rập Xê Út, Trung Quốc và Việt Nam. Vatican là thành viên của Hội đồng Châu Âu, các tổ chức quốc tế như OSCE (Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu), AIEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế), và có tư cách quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc, thậm chí là Nhà nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí nguyên tử vào tháng 7/2017.

Nhà báo Constance Colonna-Cesari, tác giả cuốn « Bí mật của nền ngoại giao Vatican » nhận định : « Thế mạnh chính là chất lượng thông tin. Các nhà ngoại giao được thông báo lập tức từ các hồng y, linh mục, tu sĩ…là chứng nhân của những gì đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Và Tòa Thánh không hề tìm cách bán vũ khí, giành thị phần hay lấn lướt bất kỳ quốc gia nào, nhờ đó được rộng tay hơn ».

Đức giáo hoàng cử hành thánh lễ Phục Sinh tại nhà tù Regina Coeli, Roma ngày 29/03/2018.
Le Point cho rằng trong lúc bản đồ địa chính trị đang được vẽ lại và các chế độ độc tài nở rộ, những ý tưởng của Đức giáo hoàng Phanxicô mang một tầm quan trọng mới. Nelson Mandela đã qua đời, bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện và ông Lula của Brazil bị mất uy tín, giải Nobel hòa bình Obama gây thất vọng, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chưa gây được dấu ấn, Đạt Lai Lạt Ma lặp lại những điều đã cũ… Đức giáo hoàng Phanxicô có cơ hội trở thành lương tâm của thế giới.

Tiếng nói của ngài hàng ngày được đưa đến cả những nơi xa xôi hẻo lánh trên toàn cầu, với 350 nhân viên của Radio Vatican – từ ngày 01/01/2018 đã đổi tên thành Vatican News – phát bằng 40 thứ tiếng. Tài khoản Twitter của Đức giáo hoàng có 43 triệu người theo dõi. Bài trả lời phỏng vấn, bài giảng, sắc thư…rồi những chuyến tông du : trong 5 năm qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã thăm 33 nước. Ở Vatican người ta nói đùa : « Chúa hiện diện ở mọi nơi, nhưng Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm trước đó. Còn Đức giáo hoàng Phanxicô thì tìm đến những nơi mà người tiền nhiệm chưa hề đặt chân đến » - như đảo Lampedusa của người tị nạn, hay giữa rừng Amazon.

Tất nhiên bên cạnh đó vẫn có những vùng xám. Một linh mục Pháp ở Roma nhận định : « Đức giáo hoàng rất quan tâm đến những người bên ngoài Giáo hội, nhưng lại ít chú ý hơn đối với những cộng sự ». Ngoại giao thành công, nhưng quản lý lại gây thất vọng. Đến nỗi ngài từng thốt lên : « Cải cách ở Roma, cũng giống như dùng bàn chải đánh răng để làm sạch tượng Nhân sư lớn ở Ai Cập ».

Một siêu thị Walmart ở Thiên Tân, 04/04/2018.
Chiến tranh thương mại, trò chơi rủi ro

L’Express trích đăng cuốn sách nói về thực trạng các bệnh viện Pháp, chạy tựa « SOS, các bệnh viện đang trầm cảm », còn L’Obs tìm hiểu những gì diễn ra « Trong đầu của loài vật », từ tác phẩm của nhà văn Đức Peter Wohlleben, tác giả cuốn best-seller « Cuộc sống bí mật của cây cối ». Trên lãnh vực kinh tế, Le Courrier International dịch bài viết của Wall Street Journal mang tựa đề « Thương mại, trò chơi đầy rủi ro giữa Bắc Kinh và Washington ».

Tờ báo lo ngại cho các công ty Mỹ, đặc biệt trong lãnh vực nông sản phẩm, nếu chiến tranh thương mại trở nên gay gắt hơn. Năm ngoái Mỹ bán được hơn 1 tỉ đô la thịt heo vào thị trường Trung Quốc, táo của tiểu bang Washington được xuất qua từ năm 2015 đã tăng rất cao, rượu vang, hạt dẻ cười (pistache)… đang được ưa chuộng có thể bị Bắc Kinh áp thuế.

Tác giả cho rằng ông Donald Trump có thể làm mất đi lợi ích của việc cải cách ngân sách cũng như các biện pháp khác đang giúp kinh tế tăng trưởng, và đặt câu hỏi : Có ai đó ở Nhà Trắng theo dõi hồ sơ này hay không ?

Kim Jong Un trò chuyện với các ca sĩ Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng, 02/02/2018.
K-pop với vòng lưu diễn ngoại giao ở Bình Nhưỡng

Tại châu Á, Le Monde cuối tuần mô tả « K-pop với vòng lưu diễn ngoại giao ở Bình Nhưỡng », thuật lại câu chuyện của một ca sĩ Hàn Quốc có mẹ là người gốc Bắc Triều Tiên, đã tham gia đoàn nghệ sĩ từ Seoul sang Bình Nhưỡng trình diễn mới đây.

Ca sĩ Kang San Eh, tên thật là Kang Young Gul cho biết cuộc đời của mẹ anh điển hình cho lịch sử đương đại Triều Tiên. Khi chiến tranh nổ ra trên bán đảo, cặp vợ chồng trẻ vừa có em bé tìm cách chạy sang miền Nam, nhưng họ bị lạc nhau trong đợt di tản Hungnam. Từ ngày 15 đến 24/12/1950, gần 100.000 thường dân chạy khỏi thành phố cảng miền Bắc, cùng lúc với 100.000 quân Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc, trước đà tiến của liên quân Trung-Triều. Những người di tản Hungnam hầu hết định cư tại Geoje thuộc Hàn Quốc. Mẹ của Kang tái giá, sinh ra Kang San Eh và em gái, còn chồng cũ của bà ở lại miền Bắc. 

Quá khứ và nỗi đau của người di tản ghi dấu ấn trong một số bài hát nổi tiếng của Kang San Eh. Trước đây anh từng trình diễn tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong, nhưng nay người ca sĩ có cảm giác khác hẳn khi được đến tận Bình Nhưỡng, trái tim của Bắc Triều Tiên, trong một bối cảnh chính trị nhạy cảm.

Amnesty International đòi hỏi chấm dứt thanh lọc chủng tộc ở Miến Điện, nhân thượng đỉnh ASEAN ở Úc, 16/03/2018.
Miến Điện : Tương trợ không dành cho người Rohingya

Còn tại Miến Điện, bài báo « Một sự hào hiệp tương đối » của Nikkei Asian Review, được Le Courrier International dịch lại, cho biết người dân Miến Điện có tinh thần tương trợ rất cao – tuy nhiên đối với người Rohingya thì họ lại không ngó ngàng đến.

Phóng viên của tờ báo tại Răngun cho biết, một buổi tối anh nhìn thấy một chiếc xe hơi tông phải một người đàn ông đang đi bộ. Trong vòng chưa đầy một phút, hàng mấy chục người đã xúm lại. Hai người lo cho người bị thương, hơn một chục người làm thành hàng rào chắn xe cộ qua lại, còn những người khác ngăn chận người tài xế say rượu rời khỏi hiện trường, trong khi chờ đợi cảnh sát đến. Một chiếc xe cấp cứu gồm toàn người tình nguyện nhanh chóng tới nơi, đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.

Sau trận lụt năm 2015 khiến 100.000 người dân nông thôn phải sơ tán, có những hội thiện nguyện đã được lập ra ở Răngun. Họ quyên góp trên đường phố để mua thực phẩm, chở về đến tận các trại tạm cư. 

Nhưng những hành động nhân ái này không dành cho người Rohingya, thiểu số Hồi giáo bị kỳ thị. Tại bang Arakan, dân địa phương đồng lòng ngăn cản viện trợ nhân đạo đến tay người Rohingya, cô lập những ai chấp nhận làm việc cho các tổ chức phi chính phủ thiện nguyện. Một chủ tiệm là Phật tử đã bị cạo đầu, buộc phải đi diễu trên đường phố với tấm bảng « Phản quốc » chỉ vì buôn bán với người Hồi giáo.

Cho đến nay, chính quyền của bà Aung San Suu Kyi vẫn làm ngơ trước tình trạng này. Các tổ chức xã hội dân sự không được tham vấn, các chuyên gia tài năng không có quan hệ chặt với đảng của bà Suu Kyi bị nghi ngại. Còn những ai lên án nạn bạc đãi người Rohingya thì bị đe dọa mà cảnh sát không hề can thiệp, hoặc bị kiện tụng tơi bời.

Hai lần ly dị của Ireland

Le Courrier International tuần nàyra số đặc biệt « Du hành tại Irelande trong thời Brexit ». Từ Derry đến Dublin, tờ báo vẽ nên chân dung của một quốc gia đã trở thành con tin của sự kiện Anh quốc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU), nhấn mạnh đến « Hai lần ly dị của Ireland ». Vào lúc Anh quốc đang chuẩn bị ra khỏi Liên hiệp Châu Âu , nước láng giềng Ireland đang phải gánh chịu hậu quả của cuộc ly dị vất vả này.

Một ly bia trong một « pub » ở Dublin hay Luân Đôn giá bao nhiêu ? Khoảng 5 euro, nhưng tất cả còn tùy thuộc vào những thỏa thuận cuối cùng trong hợp đồng Brexit, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào lúc 23 giờ ngày 29/03/2019, và những thay đổi của đồng bảng Anh. 

Bởi vì nếu quay trở lại với đường biên giới thực tế giữa Bắc Ireland - là một tỉnh trực thuộc Vương quốc Anh - và Cộng hòa Ireland, thì việc vận chuyển bia từ nhà máy ở Dublin (CH Ireland) đến xưởng đóng chai ở Belfast (Bắc Ireland) sẽ mất nhiều thời gian hơn, và giá cước đắt hơn. Còn đồng bảng Anh hiện đã sụt giá đến 13% kể từ cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016.

Không chỉ loại bia nâu thông dụng này trở nên « đắng » hơn, mà Brexit còn đe dọa toàn bộ nền kinh tế Ireland, có nguy cơ khoét lại vết thương đã liền sẹo từ 20 năm qua với Hiệp định Thứ Sáu Tuần Thánh. Cách đây hai năm, khi bày tỏ mong muốn ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, người dân Bắc Ireland đã phản đối hai vụ ly dị, một với Bruxelles và một với láng giềng phương Nam. Nhưng các đồng bào của họ ở Anh đã quyết định ngược lại. Hậu quả là : sau hai thập niên hâm nóng quan hệ giữa hai Ireland, các bức tường chia cách ở Belfast đang bị đập bỏ, nhưng những hàng rào khác có thể được dựng lên trong tương lai.

Các viên chức châu Âu luôn nói rằng mọi thỏa thuận về Brexit sẽ không được ký nếu Ireland không bật đèn xanh. Thế nhưng theo tờ báo bảo thủ The Spectator có trụ sở ở Luân Đôn, thì đó chỉ là những lời lẽ mị dân. EU tôn trọng đường biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ireland « cũng như cá mập tôn trọng hải cẩu » - theo tác giả, và EU chỉ muốn Ireland giúp mình chơi cho Brexit một cú !

Áp-phích tranh cử của ông Victor Orban.
Hungary : Thủ tướng Orban sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba ?

Cũng về châu Âu, tờ Magyar Idok thân cận với chính quyền Budapest được Le Courrier International trích dịch, giải thích « Vì sao ông Orban sẽ thắng cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba » : đó là nhờ những thành công về kinh tế và chính trị của thủ tướng Hungary.

Đối lập không thuyết phục được dân chúng, đảng cực hữu Jobbik không có chương trình hành động rõ ràng, phe xã hội bị mất đi sự ủng hộ của giai cấp trung lưu. Trong khi đó chính phủ của ông Orban đã giúp GDB tăng lên, nợ công giảm xuống, nâng cao mức sống người dân, tỉ lệ người nghèo từ 1/3 xuống còn 1/4 dân số. 

Những tấm hộ chiếu châu Âu bằng vàng cho đại gia

Trang kinh tế của L’Express đề cập đến một khía cạnh khác « Bán quốc tịch châu Âu » : một số nước Nam Âu bán tư cách công dân cho những nhà đầu tư giàu có từ Trung Quốc, Nga hay châu Phi. 

Những người nhập cư này không phải chen chúc trên những chiếc tàu cũ kỹ có nguy cơ bị đắm. Họ du hành bằng ghế hạng thương gia tiện nghi trên máy bay, sẵn sàng ký những tấm séc có sáu, bảy con số zéro để có được tấm hộ chiếu châu Âu, sự bảo đảm vượt qua các biên giới một cách thoải mái, an toàn và…một cuộc đời mới.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, đồng tiền không mang màu cờ nào, khoảng hai chục quốc gia nhỏ đã thu hút những người siêu giàu bằng món quà loại này. Hiện tượng « chiếu khán bằng vàng » kể từ đầu năm 2010 từ vịnh Caribê đã lan đến châu Âu. Những nước bị khủng hoảng tài chính làm ảnh hưởng như Chypre, Malta, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và ngay cả Bulgari, Hungary coi đây là cơ hội để có thêm nguồn ngoại tệ. Nếu đầu tư từ 500.000 euro cho đến 2,5 triệu euro tùy theo từng nước, người giàu có thể nhập tịch. Một nhà môi giới cho biết phân nửa số khách hàng là người Trung Quốc, 1/3 từ Trung Đông, số còn lại từ các nước thuộc Liên Xô cũ.

Người Kurdistan ở Hy Lạp biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Afrin, 20/03/2018.
Syria : Thổ-Kurdistan, một cuộc chiến khác 

Còn tại Trung Đông, cây bút Christian Makarian trên L’Express nhận định « Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurdistan : Một cuộc chiến trong cuộc chiến ». Theo tác giả, việc Ankara tăng cường áp lực quân sự tại Syria làm gia tăng nhịp độ tan rã của Trung Đông.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn loại hẳn sự hiện diện của quân Kurdistan, không chỉ dọc theo biên giới với Syria, mà cả ở biên giới Irak, tổng cộng 900 km. Sau khi chiếm Afrin hôm 19/3, Ankara nay nhắm vào các thành phố khác ở Syria mà người Kurdistan đang trấn giữ - Manbij, Kobané, Tall Abyad - những địa danh oai hùng, nơi dân quân Kurdistan từng đối đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. 

Đây là một cuộc chiến trong cuộc chiến : Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng thảm kịch Syria để dấn tới. Như vậy Ankara đang tiến hành một cuộc xâm lược vào Syria, làm phức tạp thêm tình hình và càng khiến phương Tây khó thể bỏ rơi người Kurdistan - đồng minh duy nhất ở Syria chống quân thánh chiến. Mặt khác, nếu lực lượng Kurdistan bị tiêu diệt sẽ bất lợi cho quốc tế trong cuộc chiến chống nạn khủng bố, vốn đã tạo ra rất nhiều nạn nhân vô tội ở châu Âu, và ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180407-duc-giao-hoang-phanxico-lanh-tu-the-gioi-tu-do

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.