Affichage des articles dont le libellé est Bạc Hy Lai. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Bạc Hy Lai. Afficher tous les articles

lundi 22 décembre 2014

Biệt thự của Bạc Hy Lai tại Pháp được rao bán

Đăng ngày 22-12-2014

Biệt thự sang trọng ở thành phố nghỉ mát nổi tiếng Cannes, vùng Côte d’Azur (Pháp), của Bạc Hy Lai được rao bán với giá 6,95 triệu euro. Tờ báo Global Times, công cụ của chính quyền Trung Quốc hôm nay 22/12/2014 cho biết như trên.
Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh bị thất sủng một cách đầy kịch tính, trong lúc ông đang có tham vọng trở thành ủy viên thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bạc Hy Lai bị bắt vào đầu năm 2012, bị tước mọi chức vụ rồi đến tháng 9/2013 bị kết án chung thân vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực, trong một phiên tòa đình đám.

mardi 26 novembre 2013

Bao thư Mao Trạch Đông gởi cha Bạc Hy Lai: Một triệu đô la

Bài đăng : Thứ hai 25 Tháng Mười Một 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 25 Tháng Mười Một 2013 
 
AFP hôm nay 25/11/2013 cho biết, một bao thư với dòng chữ do chính tay Mao Trạch Đông viết gởi đến hai chỉ huy quân sự trong đó có cha của Bạc Hy Lai, trong cuộc bán đấu giá tại Bắc Kinh hôm qua đã được mua với giá trên một triệu đô la.

Trang web của công ty bán đấu giá China Guardian thông báo, bao thư trên đó Người cầm lái vĩ đại đã viết bằng bút lông nét lớn : « Gởi các đồng chí Phó Nhất Sinh (Fu Yisheng) và Bạc Nhất Ba (Bo Yibo) » hôm qua đã được bán với giá 6,55 triệu nhân dân tệ (787.000 euro).

vendredi 25 octobre 2013

Phúc thẩm Bạc Hy Lai : Y án chung thân

Bài đăng : Thứ sáu 25 Tháng Mười 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 25 Tháng Mười 2013 
 
Tòa phúc thẩm tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, hôm nay 25/10/2013 đã bác đơn kháng cáo của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai – một quyết định không hề gây ngạc nhiên. Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn khép lại hẳn xì-căng-đan chính trị lớn nhất trong ba thập kỷ qua. Đây là một phiên tòa được chờ đợi và cũng được giám sát chặt chẽ, cùng với việc tăng cường kiểm soát internet. Ông Bạc Hy Lai bị kết án chung thân vì tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực và biển thủ công quỹ trong phiên sơ thẩm ngày 22/8.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường thuật :

« Vào lúc 10 giờ 44 phút sáng hôm nay tại Trung Quốc : « Tòa phúc thẩm tỉnh Sơn Đông bác kháng cáo của Bạc Hy Lai ». Tân Hoa Xã khẳng định như trên trong bản tin chỉ có hai dòng. Ngoài những chiếc xe hơi màu đen tới lui như mắc cửi và các phóng viên bị giới hạn trong hàng rào an ninh, chỉ có mỗi một tấm ảnh của bị cáo được lọt ra ngoài, đó là ảnh Bạc Hy Lai đang mỉm cười giữa hai công an đi kèm.

dimanche 22 septembre 2013

« Khách sạn nhà tù » năm sao đang đợi Bạc Hy Lai

Bài đăng : Chủ nhật 22 Tháng Chín 2013 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 22 Tháng Chín 2013 
 
Chính khách thất sủng Bạc Hy Lai có nhiều hy vọng được ở trong một nhà tù thoải mái như khách sạn, dành riêng cho các chính khách cao cấp của chế độ. Tại đây, ông Bạc có thể được hưởng các chính sách ưu đãi, nhưng bị các nhân viên an ninh theo dõi thường xuyên, theo như lời kể của các cựu tù nhân.

Nằm khuất trong các khu đồi rậm rạp phía bắc Bắc Kinh, các lính gác đứng canh trước cánh cổng màu đỏ của nhà tù Tần Thành (Qincheng), nơi mà nhân vật lừng lẫy một thời là Bạc Hy Lai có thể đầy hy vọng bắt đầu thi hành bản án chung thân vừa được tuyên hôm nay 22/09/2013 vì các tội danh tham nhũng, biển thủ và lạm dụng quyền lực.

Trại giam này được bao bọc bằng những bức tường cao màu xám, nhưng không có các dấu hiệu quen thuộc của chốn lao tù như rào kẽm gai hay tháp canh.

« Nó trông giống như một khách sạn năm sao ». Ông Bào Đồng (Bao Tong), cựu giám đốc văn phòng cải cách thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả như trên. Ông từng bị giam cầm bảy năm, vì đã phản đối việc đàn áp đẫm máu phong trào sinh viên đòi dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989.

samedi 21 septembre 2013

Bạc Hy Lai : Đoạn kết ngày mai cho tiểu thuyết ly kỳ nhất Trung Quốc

Bài đăng : Thứ bảy 21 Tháng Chín 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 21 Tháng Chín 2013

Bản án được chờ đợi vào ngày mai, Chủ nhật 22/09/2013 trong phiên tòa xử Bạc Hy Lai, lãnh đạo cộng sản cao cấp nhất bị ra tòa kể từ 15 năm qua, là hồi kết cho một vụ án đã đưa ra trước ánh sáng trần trụi những gì xảy ra trong hậu trường chính trị Trung Quốc. Nơi đây sát nhân đi liền với bổng lộc, các âm mưu tình ái song đôi với lạm dụng quyền lực, với một bị cáo ương ngạnh – điều hiếm hoi tại vành móng ngựa Trung Quốc.

Buổi tối 06/02/2012, khi Vương Lập Quân, giám đốc cảnh sát của đại đô thị Trùng Khánh, bất mãn với Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai, chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô xin tị nạn chính trị, người cộng sản trung thành và thân cận với giới chức công an cao cấp của chế độ chắc chắn không thể không ý thức rằng xì-căng-đan do ông ta gây ra là một quả bom khủng khiếp. 

jeudi 19 septembre 2013

Trung Quốc : Bạc Hy Lai quyết khôi phục danh dự


Bài đăng : Thứ năm 19 Tháng Chín 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 19 Tháng Chín 2013 
Trong một lá thư được gửi từ nhà tù, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai hứa hẹn sẽ lấy lại thanh danh. Một tờ báo Hồng Kông hôm nay 19/09/2013 cho biết như trên, trong lúc chỉ còn vài ngày nữa là bản án dành cho chính khách bị thất sủng này sẽ được tuyên.

Nhật báo South China Morning Post nói thêm, trong lá thư với giọng điệu đầy tính chiến đấu gởi cho gia đình, Bạc Hy Lai cam đoan là danh dự của ông « một ngày nào đó » sẽ được rửa sạch.

mercredi 18 septembre 2013

Bản án Bạc Hy Lai được tuyên vào Chủ nhật tới

Bài đăng : Thứ tư 18 Tháng Chín 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 18 Tháng Chín 2013 

Tòa án Tế Nam hôm nay 18/09/2013 loan báo, bản án dành cho cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, bị đưa ra xét xử vì tội tham nhũng, biển thủ và lạm dụng quyền lực trong phiên tòa diễn ra hồi cuối tháng Tám, sẽ được tuyên vào sáng Chủ nhật 22/9 tới.

Ông Bạc Hy Lai, cựu ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực và nguyên là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đại đô thị có gần 30 triệu dân, vào mùa xuân năm 2012 đã bị thất sủng vì một xì-căng-đan gây rúng động chế độ.
Sự sụp đổ của Bạc Hy Lai bắt đầu từ vụ cánh tay mặt của ông là Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh đã trốn vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, tiết lộ nhiều bí mật trong đó có việc bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc đã sát hại một doanh nhân người Anh.

dimanche 25 août 2013

Bạc Hy Lai tố Vương Lập Quân nói láo

Bài đăng : Chủ nhật 25 Tháng Tám 2013 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 25 Tháng Tám 2013 
 
Cựu Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai, trong phiên tòa được người Trung Quốc hồi hộp theo dõi, hôm nay 25/08/2013 đã lên án cựu giám đốc công an Vương Lập Quân là nói láo. Ông Bạc Hy Lai tuyên bố : « Vương Lập Quân đã dối trá trong phiên tòa này, và hoàn toàn không đáng tin cậy ». Ông Bạc đánh giá người từng là cánh tay mặt của ông, đã ra tòa đối chất với ông hôm qua là « một con người đê tiện ».

Phiên tòa xử Bạc Hy Lai được mở ra từ hôm thứ Năm 27/8 tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông với các tội danh tham nhũng, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực. Sự sụp đổ bất ngờ của ngôi sao đang lên trên chính trường của nền kinh tế thứ nhì thế giới từng làm chấn động bộ máy đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, mặc cho bề ngoài có vẻ minh bạch của các cuộc đấu khẩu tại tòa, nhưng thực ra chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ vụ án hết sức nhạy cảm này và bản án dành cho Bạc Hy Lai đã được ban lãnh đạo đảng quyết định trước đó.

vendredi 23 août 2013

Vợ Bạc Hy Lai khai giết doanh nhân Anh để bảo vệ con

Bài đăng : Thứ sáu 23 Tháng Tám 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 23 Tháng Tám 2013 
 
Vợ của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai trong lời chứng được tòa án công bố hôm nay 23/08/2013 khai rằng bà đã giết doanh nhân Anh Neil Heywood vì bà lo ngại ông ta sẽ « bắt cóc và sát hại » con trai của bà.

Bà Cốc Khai Lai cho biết « đã trở nên rất lo lắng về an nguy » của con trai là Bạc Qua Qua đang học tại Mỹ, sau khi cậu con thổ lộ là đã bị ông Heywood hăm dọa. Bà nói : « An ninh của Qua Qua đang trở nên nguy ngập, và ông Bạc Hy Lai hoàn toàn ý thức được điều này ». Tuy nhiên bà Cốc không nói là chồng bà có liên can trong vụ sát hại Heywood - vụ án khiến bà đã bị lãnh án tử hình treo vào tháng 8/2012, hình phạt thường được chuyển thành chung thân tại Trung Quốc.

jeudi 22 août 2013

Bạc Hy Lai phủ nhận ngôi biệt thự sang trọng ở Pháp

Một góc của biệt thự Fontaine Saint Georges ở Cannes (Pháp)
Bài đăng : Thứ năm 22 Tháng Tám 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 22 Tháng Tám 2013 
 
Trong phiên tòa hôm nay 22/08/2013 cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai khẳng định « hoàn toàn không biết gì » về ngôi biệt thự nằm trong một khu phố sang trọng ở thành phố Cannes (đông nam nước Pháp), mà theo công tố viên là một món hối lộ.

Nằm trên một ngọn đồi trồng toàn thông xanh cao ngất, tòa biệt thự hai tầng với những giàn hoa giấy trang điểm mặt tiền, đã được những người thân cận với Bạc Hy Lai quản lý trong một thời gian dài, tuy ông không trực tiếp đứng tên.

Trả lời câu hỏi về tòa nhà này ở vùng Côte d’Azur nước Pháp, Bạc Hy Lai nói : « Tôi không hề biết gì về biệt thự đó, và đây hoàn toàn là một vụ dàn dựng ». Ngược lại công tố viên khẳng định có « nhiều bằng chứng » cho thấy đây là món quà của tỉ phú Từ Minh hối lộ cho Bạc Hy Lai và vợ là Cốc Khai Lai.

Bạc Hy Lai phản cung mạnh mẽ trong phiên tòa thế kỷ

Bài đăng : Thứ năm 22 Tháng Tám 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 22 Tháng Tám 2013 
 
Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai trong phiên tòa khai mạc hôm nay 22/08/2013 tại Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông, đã mạnh mẽ phản bác cáo buộc nhận hối lộ. Vụ án này là trung tâm của xì-căng-đan đầu tiên từ ba thập kỷ qua đã làm rung chuyển đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn tiến của phiên xử được tòa án đưa lên mạng xã hội.

Chỉ có năm thành viên gia đình Bạc Hy Lai cùng với hai thân nhân khác, 19 nhà báo và 84 công dân được xem là đại diện cho các thành phần xã hội Trung Quốc được tham dự phiên tòa, các phóng viên ngoại quốc không được vào. Thời gian xét xử không được công bố, nhưng các nhà quan sát cho rằng chỉ kéo dài trong một, hai ngày.

Theo tường thuật của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde từ Tế Nam, thì bức ảnh đầu tiên của nhà lãnh đạo thất sủng từ khi bị câu lưu cách đây 18 tháng, xuất hiện vào lúc 11 giờ 30 sáng (giờ địa phương) trên tài khoản chính thức của tòa án Tế Nam tại mạng Vi Bác. Bạc Hy Lai mặc áo sơ mi trắng, mày râu nhẵn nhụi, đứng giữa hai công an viên.

mercredi 21 août 2013

Phiên tòa Bạc Hy Lai: “Minh bạch” trong bí mật?


Bài đăng : Thứ tư 21 Tháng Tám 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 21 Tháng Tám 2013 
Hôm nay 21/08/2013, một ngày trước phiên tòa được xem là siêu nhạy cảm xử cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, báo chí ngoại quốc đã có mặt đông đảo tại Tế Nam (Jinan), thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Theo kênh truyền hình Phượng Hoàng, thì phiên tòa sẽ được truyền hình trực tiếp tại trung tâm báo chí.

Thông tín viên Stéphane Lagarde của RFI tại Bắc Kinh nhận xét, khó thể chờ đợi có những bất ngờ trong các vụ án chính trị tại Trung Quốc:

Xử Bạc Hy Lai : Đảng Cộng sản muốn kết thúc vụ tai tiếng thế kỷ

Bài đăng : Thứ ba 20 Tháng Tám 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 20 Tháng Tám 2013 
Theo hãng tin AFP hôm nay 20/08/2013, khi đưa "ông hoàng đỏ" thất sủng Bạc Hy Lai ra tòa vào thứ Năm tới 22/08/2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn nhanh chóng kết thúc vụ tai tiếng đình đám nhất từ nhiều thập kỷ qua tại đất nước này.

Bị giam giữ ở một địa điểm bí mật, ông Bạc Hy Lai, 64 tuổi, không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 3/2012. Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh sẽ phải ra trước vành móng ngựa một tòa án ở miền đông. Phiên tòa siêu nhạy cảm này được dời đi xa lãnh địa cũ của ông Bạc, sẽ được kiểm duyệt gắt gao trên internet và cử tọa được phép theo dõi phiên xử được chọn lựa vô cùng kỹ lưỡng.

Bạc Hy Lai ra tòa hầu như đúng một năm sau ngày vợ ông là bà Cốc Khai Lai bị kết án vì tội sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood. Việc tiết lộ vụ giết người này đã khiến ngôi sao đang lên và đầy tham vọng Bạc Hy Lai bỗng rơi rụng : ông bị ngưng tất cả các chức vụ.

lundi 12 août 2013

Vụ Bạc Hy Lai: Mẹ của Neil Heywood đòi bồi thường

Bài đăng : Thứ hai 12 Tháng Tám 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 12 Tháng Tám 2013 
 
Hãng tin AFP hôm nay 12/08/2013 trích thông tin từ Wall Street Journal cho biết, mẹ của doanh nhân người Anh Neil Heywood bị bà Cốc Khai Lai sát hại đã lên tiếng đòi chính quyền Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại. Xì-căng-đan này đã làm cho Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị tước toàn bộ các chức vụ và sắp phải ra tòa.

Bà Ann Heywood khi trả lời báo Wall Street Journal (WSJ) đã nói rằng, cái chết của con trai bà là Neil Heywood đã đẩy hai con của Neil vào tình trạng tài chính bấp bênh. Bà cũng bày tỏ nỗi thất vọng vì Bắc Kinh không hề liên lạc với gia đình nạn nhân, sau khi ông Neil bị đầu độc chết tại Trùng Khánh vào tháng 11/2011.

samedi 10 novembre 2012

Điều tra của báo Mỹ làm thay đổi ván cờ tại Bắc Kinh


Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo
(Radio Free Asia/Courrier International 8-14/11/2012)Cú đánh chừng như khởi đi từ New York, nhưng những lợi ích chính trị thì tại Trung Quốc - những tiết lộ về gia tài bí mật của gia đình ông Ôn Gia Bảo đã hé lộ thực tế đấu đá tranh giành quyền lực.

 Những tiết lộ của tờ New York Times về gia tài 2,1 tỉ euro của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo có tác động như một quả bom, tại Trung Quốc cũng như đối với cộng đồng Hoa kiều hải ngoại. Nếu thông tin này có vẻ khó tin, thì không phải là do tố cáo mức độ tham nhũng của tầng lớp lãnh đạo, mà là về cá nhân ông Ôn Gia Bảo. Thủ tướng Trung Quốc vốn có tiếng là một lãnh đạo có phong cách giản dị, gần gũi với nhân dân và có lương tâm.

dimanche 21 octobre 2012

Sự sụp đổ của Bạc Hy Lai – di sản của Mao



Ông Bạc Hy Lai dự họp Quốc hội TQ tháng 3/2010.

(Le Monde 15/10/2012) Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình được xây dựng để ngăn chận những cực đoan của chủ nghĩa mao-ít, với việc từ bỏ đấu tranh giai cấp, thiết lập cơ chế tập thể lãnh đạo và việc chuyển đổi quyền lực một cách có tổ chức. Và theo một thỏa ước kỳ lạ, mà việc đóng băng cải cách chính trị sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 càng làm đậm nét : vừa cộng sản lại vừa tư bản. Duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng vẫn mở cửa cho cạnh tranh và cho nền kinh tế.

Bạc Hy Lai, mà đảng Cộng sản vừa khai trừ để có thể đem ra xét xử, là hiện thân sống động của mâu thuẫn to lớn đó. Ông Bạc vừa rất « đỏ » ở Trùng Khánh, lại vừa nổi bật trong lãnh địa trước đó ở Đại Liên với sự năng động của mình. Ông ủng hộ các công ty tư nhân, nay đã trở thành những tập đoàn lớn của Trung Quốc.

Việc chuẩn bị cáo buộc ông Bạc với các tội trạng được mở rộng là lạm dụng quyền lực và tham nhũng, như Tân Hoa Xã đã đưa tin hôm 28/9, đã làm tăng đáng kể thách thức cho ê-kíp lãnh đạo sắp tới, sẽ được đại hội Đảng thứ 18 ngày 8/11 bầu ra. Tập thể lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ sẽ phải tìm được những câu trả lời thỏa đáng cho những xáo trộn mà thành viên xuất sắc của giới quý tộc đỏ, cách đây một năm muốn vào Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã trở thành kẻ giơ đầu chịu báng.

Có hai biến động vừa bền bỉ vừa mang tính biểu tượng cao. Đầu tiên là quan hệ với chủ nghĩa mao-ít. Lấy cảm hứng từ chủ nghĩa duy ý chí mang tính xã hội của « cánh tả mới » ở Trung Quốc, và các tư tưởng được phái Tân Mao truyền đạt, « mô hình Trùng Khánh » do Bạc Hy Lai thực hiện cố gắng chữa trị những biến tướng của « nền kinh tế thị trường theo hướng xã hội chủ nghĩa » (bất bình đẳng ngày càng tăng, tham nhũng…). Bạc Hy Lai sử dụng những phương thức trừng phạt triệt để như trong chiến dịch chống mafia, nhân danh đạo đức cộng sản : sự trong sáng cách mạng. Thế nhưng những « tội danh chủ yếu » mà người kiến trúc sư của mô hình Trùng Khánh bị cáo buộc, đã làm mất đi sự khả tín của giải pháp quản lý này.

Điều này dẫn đến sự xáo trộn thứ hai, đó là nạn tham nhũng có hệ thống trong các gia đình và phe nhóm mở rộng của các lãnh đạo. Cùng với các anh chị em mình và các bạn làm ăn, Bạc Hy Lai và vợ tiêu biểu cho cơ cấu « một gia đình, hai chế độ » trong giới cầm quyền - một thành viên trong gia đình làm chính trị, còn những người khác làm kinh doanh - mà nhà nghiên cứu Hà Thanh Liên (He Qinglian) đã tố cáo từ năm 2000. Các công cụ chống tham nhũng hiện nay vẫn không đụng chạm đến chiến thuật kiếm tiền trên, vì chính nhờ nó mà các gia đình lãnh đạo có thể kết hợp làm kinh tế.

Tại Trùng Khánh, ông Bạc đã lăng-xê một cách thái quá « nền văn hóa đỏ » được gắn liền với Mao Trạch Đông, và tái sử dụng các phương pháp độc đoán đối với các kẻ thù của nhân dân. Tất cả vì mục đích vừa tảo thanh vừa mang tính chính trị : tái lập quyền lực từ địa bàn Trùng Khánh, nơi mà vị « thái tử đỏ » vẫn còn bất mãn vì bị « lưu đày » năm 2007. Tờ báo chính thức Quang Minh nhật báo đã lên án Bạc Hy Lai, ngay sau hôm ông này bị chính thức khai trừ đảng, là đã sử dụng đến « một mô hình chính trị sai lạc (tức Cách mạng văn hóa) đã đưa Trung Quốc đến một thảm họa chưa từng có ».

Các cán bộ trung cấp tham quan ngôi nhà cũ của Mao Trạch Đông.
Hơn nữa, điều này còn nằm trong tinh thần « Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử Đảng từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ». Cái « lịch sử được thương thảo » về di sản của Mao Trạch Đông, được ĐCSTQ thông qua vào năm 1981, nhận định là Mao đã phạm phải « sai lầm khuynh tả nghiêm trọng » trong Cách mạng văn hóa, nhưng vẫn xác nhận những đóng góp của Mao - theo như câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình : « Mao, đó là 70% tích cực và 30% tiêu cực ». Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã nhắc đến nghị quyết trên khi công bố việc ngưng chức Bạc Hy Lai hồi tháng Ba.

Thế nhưng nếu ngày nay Đảng Cộng sản thấy cần phải nhắc nhở ranh giới « tả khuynh » không được vượt qua, thì có lẽ nhận định năm 1981 đã bắt đầu lỗi thời. Và việc dựng dậy Mao Trạch Đông cho các mục đích chính trị và dân tộc chủ nghĩa, trong một Trung Quốc hậu Thiên An Môn, đang đạt đến những giới hạn cuối cùng - theo nhận xét của giáo sư Ben Xu, trong cuộc hội thảo về việc vận dụng tư tưởng Mao, do Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp tổ chức tại Hongkong.

Từ ba thành tố của chế độ mà Mao là cha đẻ, lý thuyết đấu tranh giai cấp từ lâu đã bị xếp xó. Chỉ còn lại chủ nghĩa xã hội của Mao, nối kết với đạo đức trong sạch và chủ nghĩa duy ý chí trong những năm tháng khốn khó. Giáo sư Xu làm việc tại Hoa Kỳ giải thích, trong một Trung Quốc đầy ắp hàng hóa ngày nay, chủ nghĩa trên không còn được ai tin tưởng, và những hành động thái quá của Bạc Hy Lai lại tặng thêm một cú đòn mới. Cho đến nỗi đã làm nhiễm độc trụ cột cuối cùng của chế độ : đó là nguyên tắc độc đảng. Nào ai biết được, khi phơi bày bấy nhiêu vụ tham nhũng và lạm dụng quyền lực của Đảng, lại không dẫn đến việc suy luận Mao chính là cội nguồn của « tội tổ tông » ?

Trong cùng một cuộc hội thảo trên, giáo sư Thụy Điển Torbjörn Lodén của trường đại học City University ở Hongkong cho rằng, nạn tham nhũng « là do sư độc quyền chính trị của Đảng, và khả năng các nhà lãnh đạo ban phát ân huệ cho thân nhân mình hay các đối tác làm ăn của mình », hơn là những lệch lạc của việc tự do hóa, như quan điểm của phe Tân Mao.

Khi hạ bệ Bạc Hy Lai, Trung Quốc qua đó đã gián tiếp thanh toán một mảng di sản của Mao Trạch Đông ? Có thể lắm chứ !

Mời đọc lại:

mercredi 5 septembre 2012

Vương Lập Quân: Giám đốc công an quyền uy bỗng chốc thành "kẻ phản bội"

Vương Lập Quân trong một hội nghị ở Trùng Khánh, ngày 07/01/2012.
Bài đăng : Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 
Là người đã gây ra vụ xì-căng-đan chấn động chưa từng thấy ở Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây, chỉ trong vài giờ Vương Lập Quân từ tư cách một lãnh đạo công an siêu quyền lực được kiêng dè, trở thành một kẻ phản bội có nguy cơ ngồi tù nhiều năm.

Tân Hoa Xã hôm nay 05/09/2012 đã công bố các tội danh của Vương Lập Quân : đào nhiệm, lạm dụng quyền lực và tham nhũng, nhưng không cho biết thời gian cũng như địa điểm của phiên tòa tương lai.
Tất cả đã sụp đổ đối với ông, vào một ngày tháng Hai, khi bỗng chốc bị thất sủng trước cấp trên là Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh đầy quyền lực, Vương Lập Quân đã cố tìm đường thoát bằng cách trốn vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, gần Trùng Khánh.

Tại đây, trước những nhà ngoại giao sững sờ không tin nổi những gì nghe được, ông ta đã đưa ra thanh thiên bạch nhật những chuyện xấu xa tại Trùng Khánh. Và nhất là vụ vợ ông Bạc Hy Lai là bà Cốc Khai Lai đã sát hại một doanh nhân Anh.

Vương Lập Quân tìm kiếm sự bảo vệ, nhưng thực tế thì ông đã khiến mình rơi xuống vực sâu nhanh hơn. Vừa ra khỏi lãnh sự quán Mỹ, ông ta đã được đưa đến Bắc Kinh, và từ đó đến nay không ai còn nhìn thấy ông nữa.

Cứ như trong tiểu thuyết gián điệp, nhân vật 52 tuổi này cho đến lúc đó đã thành công trong vai trò một lãnh đạo công an đáng gờm, thậm chí bị ghét bỏ. Cái nhìn lạnh lẽo sau cặp kính gọng nhẹ, khuôn mặt hiếm khi thấy nụ cười, Vương Lập Quân nổi tiếng là một « siêu cớm » không thể mua chuộc và có cách làm việc thô bạo.

Là người gốc thiểu số Mông Cổ, Vương Lập Quân rất giỏi võ nghệ. Ông ta có ít nhất hai chục vết thẹo trên người, kỷ niệm của những lần bị thương do đạn bắn hay dao chém trước đây. Ông bắt đầu sự nghiệp tại tỉnh Liêu Ninh, vùng công nghiệp đông bắc Trung Quốc. Chỉ là một công an viên bình thường vào đầu thập niên 80, Vương Lập Quân thăng tiến dần và đặc biệt thích thú việc đấu tranh chống tội phạm.

Chính tại Liêu Ninh mà Vương Lập Quân gặp gỡ Bạc Hy Lai, một lãnh đạo có tương lai đầy hứa hẹn trong bộ máy đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi được giao chức vụ Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông Bạc đã kéo Vương Lập Quân về, trở thành cánh tay phải của ông, phụ trách vấn đề an ninh. Cặp đôi này đã tạo dấu ấn sâu sắc tại Trùng Khánh.

Bạc Hy Lai, Bí thư đầy sức cuốn hút luôn đứng ra trước hào quang danh vọng, chú tâm vào việc chuyển đổi Trùng Khánh thành một thành phố kiểu mẫu một cách ngoạn mục. Còn Vương Lập Quân ở trong bóng tối, lo quét sạch bọn tội phạm khỏi thành phố một cách hiệu quả. Ông ta đã tung ra cuộc thập tự chinh chống mafia được cho là sử dụng những thủ đoạn vi phạm trầm trọng nhân quyền.

Chiến dịch lên đến cao trào vào năm 2009, với hàng ngàn vụ bắt giữ, nhiều nghi can cho biết đã bị tra tấn tàn bạo, và các phiên tòa chống mafia diễn ra một cách ồn ào, trong đó có vụ ông Văn Cường, người đứng đầu cơ quan tư pháp Trùng Khánh, bị kết án tử hình và đã bị thi hành án.

Vương Lập Quân, chỉ huy cơ quan an ninh cũng nổi tiếng là một Eliot Ness của Trung Quốc – người đấu tranh không mệt mỏi chống mafia ở Chicago. Một bộ phim truyền hình nhiều tập mà nhân vật chính là một chỉ huy công an có tinh thần thép, không ngại vấy máu, cũng đã lấy cảm hứng từ Vương Lập Quân.

Trở thành Phó thị trưởng Trùng Khánh, Vương Lập Quân có vẻ là một nhân vật đầy thế lực, hiếm khi bị ảnh hưởng bởi những chỉ trích, chẳng hạn sở thích của ông ta về đồng hồ hàng hiệu và các bộ vét sang trọng.

Là người cẩn trọng và làm việc có phương pháp, Vương Lập Quân không quên gì cả : Chẳng phải ông đã bí mật ghi âm lời thú nhận giết người của Cốc Khai Lai đó sao ? Cũng chính ông ta đã lặng lẽ lấy mẫu tế bào từ xác nạn nhân của bà Cốc !

Một Vương Lập Quân siêu năng động cũng đã vẽ mẫu và được cấp bằng sáng chế về kiểu áo mưa màu đỏ dùng do lực lượng an ninh Trùng Khánh.

Vương Lập Quân còn là chuyên gia về pháp y, có thể tự giảo nghiệm tử thi. Ông đã được một tổ chức Mỹ, Henry Lee Institute of Forensic Science (Viện Khoa học Pháp y Henry Lee) phong chức giáo sư danh dự.

tags: Châu Á - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120905-vuong-lap-quan-quan-chuc-day-quyen-luc-nay-bi-quy-toi-phan-boi 

dimanche 26 août 2012

Bạc Hy Lai, lãnh đạo thất sủng cồng kềnh

Tòa án Hợp Phì, nơi xử bà Cốc Khai Lai. Liệu ông Bạc Hy Lai cũng sẽ bị đưa ra tòa ?

(Wall Street Journal/ Courrier International trích dịch) Vợ ông Bạc, bà Cốc Khai Lai đã bị kết án tử hình treo vì tội sát hại một doanh nhân Anh. Số phận nào được Đảng Cộng sản dành cho cựu « hoàng tử đỏ » của Trùng Khánh ? Quả là khó nghĩ cho các vị lãnh đạo.

Bà Cốc Khai Lai, vợ của nhà lãnh đạo cộng sản thất sủng Bạc Hy Lai, hôm thứ Hai 20/08/2012 đã bị kết án tử hình treo vì đã sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood tại Trùng Khánh (miền Trung). Tòa án Hợp Phì (miền Đông Trung Quốc) đã kết án tử hình bà Cốc, nhưng bản án không làm ai ngạc nhiên này sẽ được chuyển đổi thành án chung thân sau hai năm chấp hành tốt.

Phiên tòa trên đây cho thấy Đảng muốn kết thúc một trong những xì-căng-đan chính trị tồi tệ nhất từ hai mươi năm qua, và chỉ mới là một chương trong hồ sơ Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Số phận dành cho Bạc Hy Lai – người mà trước khi bị ngưng chức vẫn được xem là ngôi sao đang lên trong Đảng – là câu hỏi mà dư luận rất muốn biết. 

Các nhà lãnh đạo sắp phải loan báo quyết định của họ, nhưng lại khó đạt đến sự đồng thuận, nhất là do Bạc Hy Lai vẫn còn được ít nhiều ủng hộ. Đối với một số người, quyết định này lại càng khó khăn hơn khi cơ quan quyền lực trung tâm không muốn gây sự chú ý đối với công chúng về tài sản cá nhân của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp.

Hồi tháng Tư, chính quyền Trung Quốc đã thông báo là Bạc Hy Lai bị ngưng tất cả các chức vụ, và là đối tượng của một cuộc điều tra vì « vi phạm kỷ luật nghiêm trọng ». Theo các chuyên gia về luật Trung Quốc, Bạc Hy Lai hiện vẫn là thành viên của Quốc vụ viện và Đảng Cộng sản, như vậy cần phải chính thức khai trừ thì mới có thể chuyển hồ sơ ông ta sang bên tư pháp. 

Một số người nhận xét, việc tên ông Bạc Hy Lai không được nêu ra trong phiên tòa xử bà Cốc, cho thấy ông Bạc sẽ không bị kết tội đồng lõa trong vụ hạ sát doanh nhân Anh, cũng như việc bao che cho bà vợ. Nhưng số khác nói rằng cơ quan quyền lực đầu não vẫn chưa quyết định được số phận của ông Bạc, và còn dành thời gian để xác định các tội trạng của ông vào một thời điểm thích hợp.

Ít nhất thì đa số nhà phê bình đều thống nhất ở một điểm : Đảng sẽ phải đưa ra một quyết định chính trị vào lúc diễn ra cuộc họp toàn thể các ủy viên trung ương (khoảng 300 người), trước khi đề cử các tân lãnh đạo cho Đảng (trong dịp Đại hội Đảng lần thứ 18 vào mùa thu này). 

Số phận ông Bạc nằm trong tay Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan của Đảng có nhiệm vụ điều tra về tư cách các thành viên và quyết định xem nên xử lý nội bộ hay phải truy tố. Các nghi can sẽ bị thẩm vấn tại một địa điểm bí mật, bởi một nhóm chuyên trách gồm có công an, kiểm sát, an ninh và các viên chức.

Đây là một tiến trình hết sức chính trị hóa. Mỗi lãnh đạo Đảng có thể lợi dụng các quan hệ cá nhân hay các đặc quyền để gây ảnh hưởng lên các quyết định, sự chọn lựa các bằng chứng để đưa vào hồ sơ, và cách thức diễn dịch chúng. Đứng đầu ủy ban này là Hạ Quốc Cường (He Guoqiang), một trong chín ủy viên thường trực Bộ Chính trị, và cũng từng là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh (1999-2002) như Bạc Hy Lai lúc chưa thất sủng. 

Người ta nói rằng Hạ Quốc Cường chủ trương trừng phạt nghiêm khắc. Nhưng công an, kiểm sát, tòa án và an ninh nằm dưới quyền một ủy viên thường trực khác là Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), mà theo một số người thì ưu ái ông Bạc hơn. Một khi nhóm điều tra hoàn thành công việc, ủy ban sẽ tập hợp lại tẩt cả các yếu tố vào báo cáo cho cơ quan quyền lực cao nhất, khuyến cáo nên hay không nên đưa ra tòa.

Tiến trình này có thể mất nhiều thời gian. Trong thập niên 90, Đô trưởng Bắc Kinh và là ủy viên Bộ Chính trị Trần Hy Đồng (Chen Xitong) đã phải chờ đợi ba năm, từ khi bị cách chức cho đến khi được đưa ra xét xử vì tội tham nhũng (ông ta bị án 16 năm tù vào năm 1998, và được trả tự do vì lý do sức khỏe năm 2006). Còn Trần Lương Vũ (Chen Liangyu) đã ra tòa 18 tháng sau khi bị cách chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải (ông này cũng là ủy viên Bộ Chính trị, bị kết án 18 năm tù vào năm 2008 vì tham nhũng và lạm dụng chức quyền). 

Nếu Đảng chọn lựa xử lý nội bộ vụ Bạc Hy Lai, thì quyết định sẽ được thông báo vào mùa thu. Trong trường hợp ngược lại, phiên tòa sẽ diễn ra sớm nhất là vào năm tới. Alice Miller, chuyên gia về đời sống chính trị Trung Quốc của Hoover Institution (nhóm tham vấn Mỹ thân cận với đảng Cộng hòa) đã viết trong một bài báo về Bạc Hy Lai như sau : « Hai ông Trần trên đây cuối cùng đã bị đưa ra tòa, bị lãnh các bản án tù rất nặng. Và cũng nên chờ đợi Bạc Hy Lai phải chịu một số phận tương tự ». 

dimanche 29 juillet 2012

Bạc Hy Lai, sự rơi rụng của một ngôi sao đỏ


Bạc Hy Lai - Neil Heywood - Cốc Khai Lai
Bài đăng : Chủ nhật 29 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 29 Tháng Bẩy 2012 
 
Le Monde Magazine tuần này đã dành đến bảy trang báo cho bài viết mang tựa đề « Sát nhân, quyền lực và tham nhũng : Bạc Hy Lai, sự rơi rụng của một ngôi sao đỏ ». Tờ báo quay lại cuộn phim của xì-căng-đan ly kỳ này và cho rằng Bạc Hy Lai là một hiện tượng chính trị kỳ lạ, được tạo nên bởi những thăng trầm của lịch sử Trung Quốc trong 50 năm gần đây.

Đang mùa hè, các tuần báo Pháp có khuynh hướng chọn những đề tài nhẹ nhàng để giới thiệu với độc giả. Le Nouvel Observateur số tuần này dành nhiều trang báo cho chủ đề « Triết lý của hạnh phúc », Le Point nói về triết gia Hy Lạp Epicure. Nhân Thế vận hội Luân Đôn khai mạc, Le Courrier International đặt ra vấn đề « Vận động viên ống nghiệm » : Khi khoa học vào cuộc – từ trang thiết bị hiện đại cho đến doping, các biện pháp phân tích đặc thù, khiến các cuộc tranh tài đỉnh cao giữa các vận động viên trở thành cuộc đọ sức của các nhà khoa học và kỹ sư. Về nước Pháp, tuần báo L’Express đăng chân dung Tổng thống François Hollande trên trang nhất với tựa đề « Người thôi miên », khi ông hoãn lại các cải cách, ru ngủ người dân Pháp…theo như nhận định của tờ báo.

Về châu Á, Le Monde Magazine đăng tấm ảnh cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, phía sau là lá cờ đỏ với búa liềm vàng của đảng Cộng sản Trung Quốc và chạy tựa « Sát nhân, quyền lực và tham nhũng : Bạc Hy Lai, sự rơi rụng của một ngôi sao đỏ ». 

Sát nhân, quyền lực và tham nhũng


Tờ báo quay lại cuộn phim của xì-căng-đan ly kỳ này. Một buổi tối tháng 11/2011, trong một căn phòng của khách sạn Lijing Holiday sang trọng cách Trùng Khánh hơn một chục cây số, cho thuê với giá 400 đến 600 euro một ngày, người ta phát hiện doanh nhân Anh Neil Heywood đã chết. Nguyên nhân cái chết của doanh nhân 41 tuổi, được báo cho người vợ Trung Quốc và lãnh sự quán Anh ở Trùng Khánh, là do trụy tim vì quá chén.

Vương Lập Quân (Wang Lijun) , giám đốc công an Trùng Khánh – một nhân vật nổi tiếng thanh liêm ở Liêu Ninh được Bạc Hy Lai (Bo Xilai) mời về để quét sạch bọn mafia – quyết định tiến hành điều tra, cho lấy một mẫu da của tử thi để làm xét nghiệm, ngay trước khi đem đi thiêu. Con người này rất mê lãnh vực pháp y, ông ta âm thầm làm việc với một nhóm người thân tín.

Theo lời kể của những người thân cận Vương Lập Quân cho tờ New York Times, thì ngày 18/01/2012 Vương Lập Quân đã trình cho Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai kết luận về cái chết của Neil Heywood : đó là do bị đầu độc, mà thủ phạm không ai khác hơn là bà Cốc Khai Lai (Gu Kailai), vợ ông Bạc Hy Lai. Nhân vật quyền lực đứng đầu Trùng Khánh tỏ vẻ chấp nhận mở điều tra. Nhưng ông ta đổi ý rất nhanh : Vương Lập Quân bị cách ly khỏi vụ án này, và ba trong số các nhân viên tham gia điều tra bỗng mất tích một cách khó hiểu.

Ngày 6/2, viên chức công an cao cấp trên bí mật dùng xe hơi đến Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở kế cận. Tiếng đồn lan truyền nhanh chóng trên mạng Vi Bác : Vương Lập Quân đã trốn vào lãnh sự quán Mỹ. Trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người, Hoa Kỳ rồi Trung Quốc nhìn nhận là ông ta đã ở đây suổt cả đêm, trước khi được giao lại cho các viên chức an ninh cao cấp từ Bắc Kinh đến.

Lúc đó chỉ còn một tuần nữa là đến thời điểm Tập Cận Bình viếng thăm chính thức nước Mỹ, và trong năm sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất của Đảng, vụ này có tầm quan trọng rất lớn. Ngoài Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Lý Khắc Cường (Li Keqiang), bảy thành viên thường trực còn lại của Bộ Chính trị sẽ được chọn ra, trong đó Bạc Hy Lai là một ứng viên sáng giá.

Ngày 15/3, Bạc Hy Lai cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và đến ngày 10/4 vào 23 giờ khuya, thêm một quả bom tấn nữa được tung ra : Bạc Hy Lai bị điều tra nội bộ vì « vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng », còn bà Cốc Khai Lai là nghi can trong vụ sát hại doanh nhân Anh. Hai tháng sau, những người thân cận Bạc Hy Lai trong chính quyền Trùng Khánh đều bị loại ra ngoài.

Bạc Hy Lai - Vương Lập Quân
Bạc Hy Lai, ngôi sao đỏ đã tắt 


Việc xét xử ba nhân vật chính trong xì-căng-đan này sắp diễn ra, nhưng không ai trông đợi vào một phiên tòa minh bạch. Một loại tòa án binh đang chờ đợi Vương Lập Quân vì tội phản quốc, bên cạnh đó còn về chiến dịch chống mafia một cách thô bạo với việc tra tấn và kết tội oan nhiều người. Bạc Hy Lai sẽ bị kỷ luật trong nội bộ Đảng. Còn đối với bà Cốc Khai Lai, người ta cho rằng sẽ bị kết án nặng nề, như bà vợ góa của Mao Trạch Đông thời trước – những điểm giống nhau là tham vọng to lớn cũng như cuộc đấu tranh giành quyền lực của người chồng.

Đó là vì nếu họ tộc danh tiếng và quyền uy này có lẽ ít tham nhũng hơn so với những gì chế độ đã nêu ra, theo Le Monde Magazine, cũng nên lướt qua thân thế, sự nghiệp của ông Bạc Hy Lai để nhận diện một động lực khác của sự thất sủng. Bạc Hy Lai là một hiện tượng chính trị kỳ lạ, được tạo nên bởi những thăng trầm của lịch sử Trung Quốc trong 50 năm gần đây.

Bạc Hy Lai là một « hoàng tử đỏ », con của cựu Phó thủ tướng Bạc Nhất Ba (Bo Yibo), một trong tám Bát đại nguyên lão, tức khai quốc công thần của Trung Hoa cộng sản. Ông cũng gặp nhiều gian truân khi người cha bị bỏ tù trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Sau khi ông Bạc Nhất Ba được phục hồi danh dự, Bạc Hy Lai được chỉ định theo đuổi sự nghiệp chính trị (chỉ có một « hoàng tử đỏ » trong gia đình được làm chính trị, theo quy định do chính Bạc Nhất Ba đặt ra).

Theo kiến trúc sư Pháp Patrick Devillers, một người thân cận khác của họ Bạc, thì « Gia đình Bạc Hy Lai không vướng vấn đề tiền bạc. Đơn giản là họ không cần, và điều đó quá rủi ro cho vị thế của họ ». Tờ báo cho biết, Bạc Hy Lai có những người bạn hào phóng như tỉ phú Từ Minh (Xu Ming) sẵn sàng chu cấp mọi thứ. Ngoài ra các thành viên trong gia đình như các người anh em của ông đứng đầu các tập đoàn nhà nước, hay chị của bà Cốc Khai Lai là Cốc Vương Ninh (Gu Wangning) rất giàu có, thừa sức chu cấp cho cậu con trai của Bạc Hy Lai du học.

Hai vợ chồng Bạc Hy Lai là biểu tượng hiện đại mà rất ít chính khách Trung Quốc có được. Các chính khách ngoại quốc và lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia đều có ấn tượng Bạc Hy Lai là một nhân vật cởi mở, thân thiện, gần gũi với phương Tây. Bỗng chốc ông gây ngạc nhiên khi đóng vai trò lãnh tụ phái Tân Mao, gây sốc cho các nạn nhân của Người cầm lái vĩ đại thời trước. Chiến dịch đỏ với những bài hát cách mạng, đưa cán bộ về nông thôn, lập kênh truyền hình đỏ…cho thấy một tham vọng vô biên.Thế là Bạc Hy Lai không còn được Thủ tướng Ôn Gia Bảo tín nhiệm, và đợt đại hội năm 2007, một « hoàng tử đỏ » khác là Tập Cận Bình đã được đôn lên ủy viên thường trực Bộ Chính trị.

Lạc lối khi bước lùi về « Đông phương hồng » của Mao

Vương Khang (Wang Kang), một trí thức đã thu thập nhiều tài liệu về lịch sử Trùng Khánh cho rằng Bạc Hy Lai đã lạc lối khi chọn lựa bước lùi về quá khứ. Theo ông, « Các phương pháp của Mao nhằm giải quyết những vấn đề của Trung Quốc là một thảm họa. Trong bối cảnh khủng hoảng thế giới hiện nay, đã nảy sinh nơi một số hoàng tử đỏ cảm giác về một nhiệm vụ dựa trên nhận thức là chính quyền hiện nay quá mềm yếu trước phương Tây ».

Vương Khang nhận định, việc tăng cường ý thức hệ « đỏ », Đảng, quân đội và công an liên tục được đề cao, là « một loại phát-xít » : « Như vậy chẳng khác nào nước Trung Hoa vĩ đại cần có một Mao Trạch Đông thứ hai. Trong khi đây là nền đệ nhị cộng hòa (sau đệ nhất cộng hòa của Tôn Dật Tiên). Cần phải chuyển sang đệ tam cộng hòa, và nhất là không quay lại với đế quốc đỏ của Mao ! »

Trong vụ Bạc Hy Lai, cuối cùng thì « quan » công an Vương Lập Quân là một « chú ngựa ô », nhân tố bất ngờ làm đảo lộn mọi thứ kịch bản có thể nghĩ ra được. Vương Khang nhìn nhận : « Cần phải có lòng can đảm vượt bực và sự thông minh cao độ mới dám làm cái việc chạy vào lãnh sự quán Mỹ. Cú này không ai có thể tưởng tượng ra nổi ». 

Vị hoàng tử đỏ, Cốc phu nhân, doanh nhân người Anh và siêu cớm Trùng Khánh đã là chất liệu dệt nên những huyền thoại. Bi kịch đã nối kết những nhân vật này lại với nhau là thiên biến vạn hóa, trong một Trung Quốc mà từ ngàn xưa lịch sử không ngừng được viết lại bởi các triều đại mới.

Dư luận về trận lụt Bắc Kinh

Cũng về Trung Quốc, tuần báo The Economist đề cập đến trận lụt tại thủ đô Bắc Kinh mới đây trong bài viết « Dưới nước và lửa ». Con số người chết ban đầu được đưa ra là 37 người, nhưng cuối cùng là 77, và nhiều người đặt câu hỏi, tiền bạc thay vì đổ vào các công trình vô ích như các tòa nhà chọc trời, công viên Olympic, tốt hơn nên dành cho cơ sở hạ tầng.

Bài báo cho biết, trong vòng 1.000 năm qua, Bắc Kinh đã phải chịu đựng trên 100 trận lụt lớn. Nghiêm trọng nhất là hai trận lụt năm 1626 và 1890, đều xảy ra vào cuối các triều đại mà tham nhũng hoành hành và quản lý tồi tệ. Hệ thống thoát nước hiện nay của Bắc Kinh có từ thập niên 50, dựa theo thiết kế của Liên Xô cũ, chú trọng hệ thống ống dẫn hơn là miệng cống thoát nước.

Người dân Bắc Kinh đã làm mọi cách để khắc phục hậu quả của trận lụt, từ giúp đỡ những người bị nạn cho đến phổ biến những việc cần làm cho các tình nguyện viên trên mạng xã hội. Nhưng trong một bài viết trên tiểu blog vừa bị xóa mới đây, blogger Li Chengpeng đã kêu gọi những người tình nguyện không nên làm gì nữa.

Nhấn mạnh đến tính chất « lịch sử » của trận lụt vừa rồi, chính quyền Bắc Kinh cố hướng sự chú ý của công chúng vào nỗ lực làm sạch thành phố. Nhưng nhiều người dân Bắc Kinh vẫn tỏ ra ngờ vực. Chẳng hạn như lời bình sau đây trên một tiểu blog, được trang web China Digital Times dịch ra tiếng Anh : « Trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi, một vụ nhật thực chỉ diễn ra một lần trong thế kỷ, đã xảy ra hai lần. Một trận lụt mà chỉ xảy ra 500 năm một lần, thực tế có đến mười ; và trận động đất mà người ta nói là chỉ có một lần trong suốt thiên niên kỷ, đã xảy đến hai lần. Điều duy nhất chưa từng diễn ra là một cuộc tổng tuyển cử mỗi 5 năm một lần ». 

Lưỡi kéo kiểm duyệt của Bắc Kinh đã cắt ngay lời bình luận trên.

Fukushima : Gian lận để giảm độ phóng xạ

Còn tại Nhật Bản, Courrier International trích dịch bài báo của tờ Asahi Shimbun tố cáo « Fukushima, gian lận trong đo độ phóng xạ đối với công nhân ». Bài báo tiết lộ đoạn đối thoại giữa nhà quản lý một công ty hoạt động tại nhà máy xảy ra thảm họa với các công nhân làm công việc tẩy độc, yêu cầu họ gian dối trong việc đo độ phóng xạ.

Trong đoạn đối thoại này, người quản lý cấp cao của công ty xây dựng Build-Up, một trong những nhà thầu phụ của Tepco, đã ra lệnh cho các công nhân phải bọc máy đo phóng xạ bằng một lớp chì, để làm giảm chỉ số nồng độ phóng xạ xuống. Đa số công nhân đều chấp nhận, chỉ có ba người phản đối. Bị sa thải, ba công nhân trên đã trao cho tờ Asahi Shimbun phần ghi âm của cuộc nói chuyện buổi tối 02/12/2011 trong một phòng khách sạn ở Fukushima.

Sau khi tờ Asahi công bố, người quản lý trên đã biện minh là chỉ muốn cho các công nhân mới khỏi sợ hãi khi máy đo phóng xạ báo động nồng độ vượt ngưỡng cho phép, việc bọc chì chỉ diễn ra từ 30 đến 40 phút và đây chỉ là sáng kiến của cá nhân ông. Nhưng những lý giải này không hề phù hợp với đoạn đối thoại trên đây.

Syria rơi vào nội chiến

Liên quan đến tình hình Syria, tuần báo L’Express trong bài « Syria, hỗn loạn và máu » đã nhận xét, trước sự bất lực của ngoại giao, đất nước này rơi vào nội chiến. Những trận đánh ác liệt, xung đột giữa các cộng đồng, làn sóng người di tản…cuộc khủng hoảng ngày thêm trầm trọng khiến các nước khác phải lo ngại.

Tờ báo nhận xét, 48 tiếng đồng hồ sau vụ tấn công tự sát ngay tại đầu não cơ quan an ninh Syria làm bốn nhân vật quan trọng trong chính quyền thiệt mạng, thì một mặt trận mới lại mở ra ở Alep. Điều này khiến người ta có thể nhận ra là, các cuộc tấn công khủng bố đã chuyển thành nội chiến.

Ngoại trừ Libya, bài học của Mùa xuân Ả Rập tại Tunisia và Ai Cập cho thấy, chế độ sẽ sụp đổ một khi bị quân đội bỏ rơi. Có thể hiểu vì sao phe nổi dậy Syria cố thúc đẩy làn sóng đào ngũ trong lực lượng còn trung thành với Bachar Al Assad. Theo nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ, đã có 24 tướng lãnh đào thoát, và phong trào này sẽ còn tiếp tục.

Cuba đánh thuế nhập khẩu, gây khó khăn cho tiểu thương

Nhìn sang Cuba, Courrier International dịch lại bài viết của blogger nổi tiếng Yoani Sánchez trên tờ Generación Y từ La Habana mang tựa đề « Buôn bán nhỏ gặp khó ». Theo tác giả, thì việc chính quyền Raul Castro lại đánh thuế lên các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khiến cho các doanh nghiệp nhỏ Cuba có nguy cơ phá sản.

Có bao nhiêu trong số 387.275 doanh nghiệp nhỏ của tư nhân mới được thành lập trong những năm gần đây sẽ bị ảnh hưởng ? Chưa thể biết được nhưng theo tác giả bài viết thì con số này rất cao. Từ gia vị, kem, cà phê, xoong chảo, kẹo cho đến sơn móng tay đều phải nhập từ nước ngoài. Sau trận bão lớn phá hủy hàng ngàn căn nhà, gây thiệt hại trên 8 tỉ euro vào năm 2008, chính quyền Cuba đã tạm miễn thuế cho thực phẩm nhập khẩu.

Nhưng thuế hải quan lại được áp đặt kể từ ngày 18/6, và như vậy bản án tử đã được dành cho khu vực buôn bán nhỏ, trong một đất nước thiếu thốn nhiều loại hàng hóa, không có các nhà buôn sỉ, và giá thực phẩm thì rất cao. Tình hình còn có thể phức tạp hơn với việc áp dụng đạo luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 3/9, đánh thuế nhập khẩu lên những món hàng sử dụng cho cá nhân nhưng trị giá vượt quá 50 peso, tương đương 40 euro. Lần này không chỉ ảnh hưởng đến các tiểu thương, mà cả đến những người dân Cuba muốn cải thiện cuộc sống đôi chút.

tags: Châu Á - Chính trị - Trung Quốc - Xã hội - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120729-bac-hy-lai-su-roi-rung-cua-mot-ngoi-sao-do 
 

vendredi 20 juillet 2012

Cam Bốt : Kiến trúc sư Pháp Devillers đã “tự nguyện” đi Trung Quốc

Bài đăng : Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 20 Tháng Bẩy 2012 
Trong một đoạn video được đưa lên trang web của cảnh sát Cam Bốt hôm nay 20/07/2012, kiến trúc sư Pháp Patrick Devillers, đã nói rằng mình “tự nguyện” đi Trung Quốc, để hỗ trợ cho cuộc điều tra liên quan đến cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Giới quan sát cho rằng Phnom Penh cố tìm cách chứng minh là họ không hề "giao nộp" nhân chứng này cho Bắc Kinh.

Ông Patrick Devillers, 52 tuổi, có quan hệ làm ăn và bạn bè với vợ chồng ông Bạc Hy Lai, đã bị bắt tại Phnom Penh ngày 13/6 theo yêu cầu của Bắc Kinh, tuy không hề bị truy tố vì bất cứ tội danh nào.

Ông vừa được trả tự do, cũng theo yêu cầu của Bắc Kinh và lên đường đi Thượng Hải tối thứ Ba 17/7 để “hợp tác với chính quyền Trung Quốc trong khuôn khổ cuộc điều tra về bà Cốc Khai Lai” – vợ ông Bạc Hy Lai - đang là nghi can trong vụ ám sát một doanh nhân Anh.

Thông tín viên của RFI tại Phnom Penh, Stéphanie Gée cho biết thêm chi tiết :

“Chính quyền Cam Bốt có vẻ lưu tâm đến việc chứng minh mình đã hành động đúng luật trong vụ xì-căng-đan đình đám này. Trên đầu trang web của cảnh sát quốc gia Cam Bốt, có đưa lên một đoạn video phỏng vấn ông Devillers tại sân bay quốc tế, trước khi ông lên chuyến bay đi Thượng Hải. Mục tiêu là để cho thấy ông Devillers không bị áp lực gì từ Phnom Penh.

Ngồi trên một chiếc ghế dài tiện nghi bên cạnh người phiên dịch, một bó hoa đặt bên phải, một tách cà phê trước mặt, người kiến trúc sư Pháp - đã sống tại Cam Bốt gần 5 năm qua - có vẻ không thoải mái lắm trong vụ tuyên truyền này
.
Người phỏng vấn Cam Bốt đặt ra các câu hỏi để người nghe có thể suy đoán, thúc giục ông Devillers nhắc lại lần thứ hai là chuyến đi Trung Quốc của ông hoàn toàn tự nguyện. Và ông Devillers lại phải nói theo chiều này.

Việc dàn cảnh không chỉ dừng lại ở đó. Tiếp theo người ta thấy ông đi qua hải quan một mình, và từ khi ông đặt chân lên đất Trung Quốc, không có tin tức gì về số phận của ông được lọt ra ngoài.”

tags: Cam Bốt - Châu Á - Pháp - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Tư pháp 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120720-cam-bot-kien-truc-su-phap-devillers-da-%E2%80%9Ctu-nguyen%E2%80%9D-di-trung-quoc